Mỗi chiếc điện thoại lại có nhiều dung lượng bộ nhớ trong (ROM) khác nhau, tương ứng với từng nhu cầu sử dụng riêng biệt. Đáng nói, mức giá chênh lệch giữa chúng thường rất cao, có thể lên đến hàng triệu đồng. Vậy nên, việc xác định đúng nhu cầu và đúng mức ROM cần thiết trở nên tối quan trọng. Dưới đây sẽ là một số mẹo, quy tắc và lời khuyên giúp bạn lựa chọn bộ nhớ điện thoại đúng nhất theo từng nhu cầu.
Một quy tắc giúp xác định dung lượng bộ nhớ bạn cần
Có một quy tắc khá hữu ích giúp bạn xác định tương đối chính xác dung lượng ROM cần thiết trên chiếc smartphone sắp tới. Mẹo này dựa trên dung lượng bộ nhớ hiện tại bạn đang dùng và nhu cầu sử dụng bộ nhớ trên chiếc máy sắp tới. Chẳng hạn, ta có hai ví dụ sau:
Trường hợp 1: Máy cũ của bạn có ROM 64GB, tuy nhiên bạn đã dùng gần hết và bộ nhớ máy đã báo đầy. Vậy nên, bạn nên chọn mẫu máy có bộ nhớ tối thiểu là 128GB.
Trường hợp 2: Máy cũ của bạn có ROM 128GB, tuy nhiên bạn mới chỉ dùng đến 60 hay 70GB bộ nhớ. Do đó, bạn nên chọn mẫu máy có bộ nhớ ROM tương tự như trên, việc nâng cấp lên 256BG hay 512GB sẽ gây lãng phí không cần thiết.
Lựa chọn bộ nhớ trong theo từng nhu cầu
ROM dưới 64GB: Những ứng dụng hiện tại đều có dung lượng hàng trăm megabyte cho đến vài gigabyte, do đó bộ nhớ trong 32GB, 16GB hay 8GB dường như không đủ để đáp ứng chúng. Chúng chỉ phù hợp nếu bạn đang lựa chọn một chiếc máy phụ, dùng để phát 4G trung gian, nhận tin nhắn OTP hay nghe gọi đơn thuần.
ROM 64GB: Con số này là vừa đủ nếu bạn chỉ có nhu cầu lưu trữ cơ bản. Ngoài ra, nếu bạn có thể sao lưu ảnh, video hay dữ liệu thông qua thẻ nhớ gắn ngoài hay dịch vụ lưu trữ đám mây, việc lựa chọn bộ nhớ trong cao dường như không quá cần thiết.
ROM 128GB: 128GB có lẽ là tiêu chuẩn bộ nhớ trên smartphone ở thời điểm hiện tại. Con số này phù hợp với số lượng từ 30 ứng dụng cơ bản, không bao hàm quá nhiều game nặng hay các file lớn, chẳng hạn như video 4K.
ROM 256GB: Đối với tệp người dùng cơ bản, 256GB bộ nhớ trong là quá nhiều, nếu không muốn nói là thừa thãi, không cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn có nhu cầu lưu trữ nhiều game nặng (chẳng hạn, Genshin Impact) hay nhiều ảnh, video nặng, đây sẽ là lựa chọn hợp lý.
ROM 512GB hoặc hơn: ROM 512GB hoặc hơn sẽ chỉ phù hợp với các tác vụ đặc biệt, chẳng hạn như quay video 4K ProRes trên iPhone, khi chúng có thể chiếm dụng tới 6GB dung lượng bộ nhớ mỗi phút. Nếu không có nhu cầu trên, bạn nên ưu tiên mua smartphone với biến thể bộ nhớ thấp hơn.
Vậy có nên dùng thẻ nhớ / dịch vụ lưu trữ đám mây?
Ngoài việc lựa chọn bộ nhớ điện thoại hợp lý, người dùng cũng nên phối hợp nhiều hình thức lưu trữ khác nhau, chẳng hạn như thẻ nhớ gắn trong (microSD) hay dịch vụ đám mây. Nhưng, liệu chúng có cần thiết?
Với thẻ nhớ gắn trong, câu trả lời là không. Trên thực tế, lợi ích của thẻ nhớ tới nhu cầu lưu trữ điện thoại đã không còn cao như trước. Các hãng smartphone cũng dần loại bỏ trang bị này trên dải sản phẩm của mình. Vậy nên, với những người vẫn muốn lưu trữ dữ liệu bên ngoài, họ có thể lựa chọn sử dụng USB, thẻ SD hay ổ cứng gắn ngoài – sau đó kết nối điện thoại thông qua cổng chuyển trung gian.
Và thay vì chọn cách sao lưu dữ liệu qua thẻ nhớ truyền thống, người dùng nên cân nhắc sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây. Chúng gọn nhẹ, giải phóng bộ nhớ và hoàn toàn có thể chia sẻ giữa nhiều người dùng, nhiều thiết bị. Bên cạnh đó, một số ứng dụng như Google Photos còn cung cấp nhiều tính năng thú vị khác, chẳng hạn như nhắc nhở kỷ niệm, lọc ảnh theo từng khuôn mặt hay tự động sao lưu, khôi phục, v.v… Mức giá của chúng cũng rất dễ tiếp cận, thậm chí có thể rẻ hơn nếu mua kèm gói gia đình hay nhiều người dùng.
Trên đây là tổng hợp một số thủ thuật về cách lựa chọn bộ nhớ ROM điện thoại theo từng nhu cầu. Hi vọng rằng bài viết sẽ cung cấp tới bạn những lời khuyên tốt nhất, chuyên sâu nhất trong việc chọn mua smartphone cuối năm.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.